Đón Ngày Mới Tại Yangon

Đáp chuyến bay tới Yangon, tôi vội vã tới bến xe cho kịp lộ trình. Yangon là nơi chân tôi chạm tới đầu tiên nhưng lại là nơi tôi khám phá cuối cùng trong hành trình. Ngồi chuyến xe đêm từ Bagan về Yangon, tôi có phần hơi uể oải vì đường đi nhiều đoạn mấp mô khiến giấc ngủ của tôi đứt quãng. Tới Yangon khoảng 5 rưỡi sáng, bầu trời vùng đô thị bắt đầu hửng sáng. Thường thì Yangon chỉ được biết tới bởi có sự hiện diện của ngôi chùa Shwedagon Paya ngập tràn trong sắc vàng chói loá và là biểu tượng tượng của phật giáo xứ chùa tháp. Nhiều du khách chỉ xem Yangon là nơi trung chuyển tới những điểm đến như Bagan, Mandalay mà tôi vừa kể trên. Yangon có gì mà chơi? có gì mà khám phá? Có thực sự như vậy không? Theo tôi thì không. Là thành phố lớn nhất và là trái tim của Myanmar dù chính phủ đã dời kinh đô về Naypyidaw năm 2005. Yangon vẫn mang những sắc màu đặc trưng riêng của một đô thị ồn ào, nồng hậu và sùng đạo.



Chạy xa khỏi bến xe ồn ào tôi đặt chân tới China Town. Như một thói quen khi tới một quốc gia, tôi thường sẽ lui tới China Town ít nhất một lần. Không phải vì tôi yêu mến Trung Quốc hay mến mộ cộng đồng người Hoa Kiều tại các quốc gia đó. Mà chỉ đơn giản vì nơi đó có những sắc màu giao thoa giữa văn hoá bản địa cùng với bản sắc văn hoá người Hoa. Đón ngày mới tại Yangon, tôi dạo bước trên những góc phố người Hoa. Người, xe đan xen trên khắp các con phố. Những nhà sư trong sắc áo choàng cam nghệ quen thuộc đi khất thực như thường ngày. Những quán ăn ven đường, những khu chợ nhộn nhịp nhộn nhịp, ồn ã, xô bồ như bao ngày. Vẫn là những con người hiền hậu với đôi má nhấn đậm Thanaka trắng ngà, bờ môi đỏ mọng sắc trầu, trên tay là những chiếc cặp lồng. Họ khoan thai bước đi chứ không quá hối hả như guồng quay của những đô thị khác. Tuy chỉ chậm hơn Việt Nam nửa múi giờ nhưng tôi cảm nhận có lẽ nhịp sống nơi đây lòng lành và chậm rãi nhất trần gian. Từng đàn chim bồ câu đậu kín trên những mái nhà, những đỉnh chùa và đen đặc trên những đường dây điện. Cùng với đàn bồ câu là những đàn quạ “hiền hoà” như những bầy én gọi mùa. Vang vọng trong những mái chùa là tiếng chuông, tiếng kinh dịch cùng với tiếng quạ kêu. Âm thanh của tiếng quạ có lẽ trở thành bản giao hưởng quen thuộc trên nhiều góc phố tại Yangon. Ở Myanmar người ta không kiêng kị tiếng quạ nên có lẽ vậy mà tôi không có cảm giác rờn rợn, thê lương. Sau một hồi dạo quanh khu phố, tôi dừng chân tại một quán nhỏ trong hẻm và thưởng thức món bún cá Mohinga của một cô chủ người Hoa Kiều. Món bún hơi đậm vị, nếu không muốn nói là hơi mặn nhưng khá ngon và kích thích vị giác. Có lẽ đây là món ăn tôi cảm thấy ưng nhất suốt mấy ngày trải nghiệm ẩm thực Myanmar. Dạo hết một vòng China Town là ra tới bờ sông Yangon. Không yên bình, tĩnh lặng như cái “bến quê” Mingun mà tim tôi từng chao đảo ở Mandalay, bờ sông Yangon là một bến cảng những hàng dài thuyền bè, hàng hoá ngổn ngang, với tiếng bước chân rộn ràng.





















Sau một hồi ngắm nhìn dòng sông Yangon trôi lững lờ, tôi dạo bước tới chợ đá quý Bogyoke Aung. Đã hơn 8 giờ sáng nhưng khu chợ vẫn khá yên ắng và chỉ có vài cửa hiệu mở cửa. Những biển hiệu tiếng Hoa, tiếng miến đan xen nhau. Tôi tới khu chợ chỉ vì muốn xem thêm những gam màu sinh hoạt thường nhật của người dân Yangon, chứ không hề có ý định muốn mua món đồ nào tại đây.










Bước tiếp những con phố vang vọng trong tiếng quạ kêu, tôi bước tới chùa Shwedagon. Ngôi chùa vàng rực sáng trong nắng sớm, nguy nga nhưng không diêm dúa. Ngôi chùa lộng lẫy với 64 tấn vàng, hàng vạn viên kim cương, hồng ngọc. Những toà bảo tháp vàng ròng rực rỡ, cùng với những bức tượng phật nạm ngọc lấp lánh. Những ngọn nến rực cháy cùng với những màn khói nhang nhẹ bay trắng mờ. Ngôi chùa được coi là trái tim phật giáo của Myanmar này luôn nườm nượp những đoàn khách hành hương, trên lộ trình an lạc của họ chắc chắn không thể bỏ qua điểm đến này. Dạo quanh một vòng chính điện, giữa vô vàn bảo tháp và pho tượng vàng tôi được chứng kiến cảnh tắm phật của của những người dân bản địa. Phật tử Myanmar thường tắm cho 7 bức tượng phật, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Tiếng kinh cầu du dương, êm tai trong khỏang không ngôi chùa khiến lòng người như ngưng đọng mọi ưu phiền.







Rời ngôi chùa vàng rực sáng trong ánh vàng tôi bắt grab tới đại học Yangon nơi có những hàng cây xanh mượt rợp bóng trải dài dọc những con đường. Cũng giống như đại học Quốc Gia ở Việt Nam mình vậy, khuôn viên sân trường cùng như một công viên công cộng để mọi người có thể thả bộ, ngắm cảnh. Nơi đây có những bạn trẻ thuộc thế hệ mới với tương lai đầy hứa hẹn. Họ sẽ đưa Myanmar hội nhập với nước bạn và với toàn thế giới. Có thể họ sẽ không còn mặc Longi (theo như thực tế mình thấy thì phần lớn sinh viên không mặc Longi tới trường), không mang cặp lồng, không nhai trầu và không đi chân trần nữa. Họ sẽ dùng nhiệt huyết và tri thức và đánh thức đất nước của họ dây. Đất nước của họ đã ngủ quên quá lâu rồi.







Cổng chính Đại Học Yangon nhìn thẳng ra hồ Inya. Hồ nước phẳng, ít gợn sóng và rất trong xanh. Ngồi bên bờ và nhìn làn nước xanh tôi có cảm giác thân thuộc giống như những chiều lái xe dạo quanh hồ Tây. Các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sinh viên đại học Yangon thường dạo chơi, trò chuyện hay đơn giản là ngồi nhìn ngắm trời mây, non nước bên công viên nhỏ cạnh hồ. Có lẽ bao nhiêu áp lực, bộn bề, bao nỗi cực nhọc, bực dọc cứ theo dòng nước mà tan biến đi.






Và tôi cũng tạm gác lại những lưu luyến về Bagan huyền hoặc, về Mandalay bình yên, về Yangon với nhiều sắc màu giao thoa tại đây để trở về Hà Nội hối hả của mình. Yangon chào tạm biệt tôi trong một chiều nắng vàng nhẹ nhàng. Bỗng cảm thấy có chút ấm áp, an yên trong lòng.